Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang: Đề nghị tăng thời gian lái xe của ô tô kinh doanh vận tải
Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh, sau khi nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng như quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải đường bộ trên thế giới, ngày 22/02/2025, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang (Hiệp hội) đã có văn bản số 17/CV-HHDN gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Vận tải Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và Vừa Việt Nam, Hiệp hội đầu tư Nước ngoài Việt Nam, Hiệp hội Pháp chế Doanh nghiệp Việt Nam về nội dung đề nghị tăng thời gian lái xe của ô tô kinh doanh vận tải.
1. Quy định pháp luật trong nước về thời gian lái xe của lái xe ô tô:
1.1. Tại Điều 116 Bộ luật lao động 2019 quy định Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt:
“Đối với các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; … thì các Bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phải tuân thủ quy định tại Điều 109 của Bộ luật này”.
1.2. Tại khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025) quy định về Thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải đường bộ:
“1. Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động”.
1.3. Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái quy định:
“Điều 5. Quy định về phương pháp tính toán
…3. Tính toán thời gian lái xe
a) Thời gian lái xe của một người lái xe được xác định khi người lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông (chỉ tính thời gian khi phương tiện di chuyển có tốc độ);
b) Quá thời gian lái xe liên tục được xác định khi có tổng thời gian lái xe của một người vượt quá 04 giờ nhưng người lái xe không dừng nghỉ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hoặc không thực hiện đổi người lái xe;
c) Quá thời gian làm việc của người lái xe trong ngày được xác định khi có tổng thời gian lái xe của một người trong ngày vượt quá 10 giờ. Ngày làm việc của người lái xe được tính từ 00:00 giờ đến 24:00 giờ;
Như vậy:
Thời giờ làm việc bình thường của người lái xe được quy định không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần; ngày làm việc của người lái xe được tính từ 00:00 giờ đến 24:00 giờ.
2. So sánh hệ thống giao thông đường bộ cao tốc với các nước trên thế giới:
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 38/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ quy định:
“2. Tốc độ khai thác tối đa cho phép trên đường cao tốc là 120 km/h;
3. Tốc độ khai thác tối thiểu cho phép trên đường cao tốc là 60 km/h. Trường hợp đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60 km/h thì tốc độ khai thác tối thiểu thực hiện theo phương án tổ chức giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 dự án đường cao tốc Bắc-Nam, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác, hoạt động trên cả nước lên hơn 2.000km. Trong đó, Đường cao tốc cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80km/h được áp dụng ở những khu vực có địa hình hiểm trở như đồi núi, vùng cao và một số nơi có hạn chế khác như các tuyến: Bắc - Nam phía Tây, Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai), Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Liên Khương - Đà Lạt, ....; Còn đường cấp 100 và 120 có tốc độ thiết kế là 100km/h và 120km/h được áp dụng cho khu vực bằng phẳng như vùng đồng bằng như các tuyến: Bắc - Nam phía Đông, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Móng Cái, Cao Lãnh - An Hữu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hoà - Vũng Tàu,…
Vì vậy: Thực trạng hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam hiện nay, số lượng người cũng như số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được mật độ phương tiện tham gia giao thông. Một số thành phố thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các trục quốc lộ chính có lưu lượng xe cao, đặc biệt, tại hai thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chưa tương xứng với tiềm năng phát triển nền kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Tại Nhật Bản, theo Bản niên giám thống kê 2015, Nhật Bản vào tháng 4 năm 2012 đã có khoảng 55,000 km đường của đường cao tốc quốc gia và 8,050 km đường siêu tốc quốc gia. Đến nay, tổng chiều dài đường bộ cao tốc tại Nhật Bản đạt 8.358 km, phân bổ đều khắp các vùng miền trên toàn lãnh thổ. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc tối thiểu 4 làn xe với tiêu chí phải đảm bảo việc kết nối đến thủ phủ các tỉnh trong vòng 1 giờ.
Tại Mỹ: Theo số liệu thống kê năm 2019, Mỹ có 107.702 km đường bộ cao tốc các loại (57.711 km đường bộ cao tốc ngoài đô thị và 49.991 km đường bộ cao tốc trong đô thị). Tiêu chuẩn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc tại Mỹ cho phép phương tiện giao thông lưu thông với tốc độ cao (tối thiểu 80 km/h và tối đa đến 120 km/h hoặc có thể cao hơn), tùy thuộc vào từng bang và khu vực. Ví dụ, ở bang Texas, giới hạn tốc độ có thể lên đến 85 dặm/giờ (khoảng 137 km/h). Trong khi đó, tại bang California, giới hạn tốc độ trên đường cao tốc thường là 65 đến 70 dặm/giờ (khoảng 105 đến 113 km/h)[4].
3. So sánh quy định về thời gian lái xe ôtô của các nước trên thế giới như:
-Tai Úc: quy định của Cơ quan quản lý xe tải hạng nặng quy định về thời gian lái xe và nghỉ ngơi yêu cầu tài xế không được lái xe quá 12 giờ mỗi ngày. Cụ thể, tài xế phải nghỉ 15 phút sau mỗi 5 giờ 15 phút lái xe và nghỉ 30 phút sau mỗi 8 giờ lái.
- Tại Mỹ: quy định về thời gian lái xe và nghỉ ngơi của tài xế ô tô và xe tải được Cơ quan quản lý an toàn vận tải cơ giới liên bang thiết lập và giám sát; tài xế không được lái xe quá 11 giờ mỗi ngày; trung bình 60-77 giờ/tuần. Mỗi lần lái xe, tài xế phải nghỉ ngơi ít nhất 10 giờ trước khi tiếp tục lái.
- Tại Liên minh châu Âu (EU): đã thiết lập các quy định nghiêm ngặt về thời gian lái xe và nghỉ ngơi cho tài xế; Thời lượng lái xe tối đa 56 giờ mỗi tuần.
- Tại Nhật Bản: thời gian lái xe của người lái xe ôtô tối đa là 60 giờ/tuần.
- Tại Ấn Độ quy định không được phép lái xe với tổng thời gian 60 giờ mỗi tuần.
Như vậy thì quy định thời gian lái xe của người lái xe ô tô ở Việt Nam tối đa không quá 48 giờ/tuần là tương đối thấp sẽ làm cho số giờ làm việc của lái xe giảm so với các nước phát triển nên đã kéo theo năng suất lao động của người lái xe ô tô năng suất thấp và thu nhập cũng sẽ bị giảm tương ứng thấp. Hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang thiếu nguồn cung lái xe ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vận tải đồng thời tốc độ lưu thông bình quân di chuyển đường bộ chậm dẫn đến năng lực vận tải đường bộ yếu dẫn đến giá cước vận tải và chi phí logistics tăng cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của cả nền kinh tế so với các nước đã dẫn chứng trên .
Vì thế: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang kiến nghị điều chỉnh thời gian lái xe của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải lên không quá 11 giờ trong 01 ngày và không quá 66 giờ trong 01 tuần; ngày làm việc của người lái xe được tính từ 00:00 giờ đến 24:00 giờ để tương ứng với mức thời gian lái xe của các nước trên để các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện và năng lực cạnh tranh giá cước vận tải và chi phí logistics với các nước trên thế giới để nền kinh tế Việt sớm tăng trưởng được hai con số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Hiệp hội kính đề nghị các cơ quan như mục kính gửi có ý kiến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, xem xét và đánh giá tác động quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải để giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn như đã bày trên .
Trân trọng./.