Người biến rác thành phân hữu cơ, tái chế nhựa ở Tuyên Quang là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Với phương châm “Mang không gian trong lành, sạch đẹp đến mỗi nhà, từng ngõ, xóm”, HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã góp phần rất lớn vào công tác vệ sinh môi trường. Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Cựu chiến binh luôn đau đáu với vấn đề môi trường
Ở tuổi 72 nhưng giọng nói sang sảng, bước chân nhanh nhẹn và luôn nhiệt tình, tràn đầy năng lượng… là ấn tượng của PV Báo điện tử Dân Việt khi gặp ông Nguyễn Hữu Hoạch - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt ông Hoạch cho biết, ông sinh ra ở tỉnh Thái Bình. Năm 1972, thì tham gia nhập ngũ và công tác tại Trung đoàn 246 đóng quân ở Tuyên Quang.
Năm 1976, rời quân ngũ, ông về làm công nhân tại Xí nghiệp Mỏ địa chất chịu lửa Tuyên Quang. Cũng từ đó, mảnh đất Tuyên Quang trở thành quê hương thứ hai của ông. Sau một thời gian công tác, đến năm 1990, ông Hoạch xin nghỉ làm tại xí nghiệp.
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Hoạch nói, năm 1990, qua thực tế tại địa phương, tôi nhận thấy việc đi lại, vận chuyển hàng hóa ở Tuyên Quang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, do ngành giao thông, vận tải ở đây chưa phát triển.
Trong khi nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân khá lớn. Bên cạnh đó, một số khu vực trên địa bàn thị xã Tuyên Quang (nay là thành phố Tuyên Quang) và một số xã trên địa bàn huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), đặc biệt là các khu vực họp chợ có số lượng rác thải lớn nhưng chưa có đơn vị nào làm nhiệm vụ vệ sinh.
"Thời điểm đó, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân còn nhiều hạn chế. Rác thải tiện đâu vứt đấy, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bón cho rau, lúa dùng xong quẳng luôn ngoài ruộng...Tôi đã cùng các hội viên cựu chiến binh đi từng nhà vận động thực hiện thu gom rác và vệ sinh môi trường", ông chia sẻ.
Để việc vệ sinh đi vào nền nếp, năm 1995, ông Hoạch quyết định thành lập HTX Vận tải số 6, đến năm 2002 đổi tên thành HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình, với hai ngành nghề kinh doanh chính là vận tải và vệ sinh môi trường.
Ông Hoạch chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt: "Nhằm nâng cao năng lực của HTX, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động những gia đình có phương tiện vận tải, nhân lực lao động chưa có việc làm ổn định gia nhập HTX để cùng làm ăn. Giai đoạn đầu, công việc rất khó khăn, tôi vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, từng bước đưa HTX phát triển".
Theo ông Hoạch, mục tiêu sạch đường làng, đẹp ngõ xóm là chính nên HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình chỉ thu đủ mức phí vận chuyển rác đến nơi tập trung xử lý. Ở các điểm dân cư tập trung, ông cho đặt các thùng rác và thường xuyên tuyên truyền vận động mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo thành thói quen cùng thu gom rác. Năm 2012, HTX quyết định lập nhà xưởng chế biến nhựa phế thải, mục đích giảm việc chôn lấp rác thải và tạo thêm việc làm cho lao động.
Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm sàng lọc, phân loại nhựa cho nên hai năm 2012, 2013 cơ sở chế biến của ông Hoạch luôn thua lỗ.
Mặc dù thua lỗ nhưng với tinh thần của một người lính, ông Hoạt đã cùng nhiều xã viên đi học tập kinh nghiệm tại các cơ sở ở Hưng Yên, Bắc Giang và đầu tư mua thêm thiết bị máy móc. Nhờ đó, việc phân loại nhựa được thực hiện tốt hơn.
Năm 2013, HTX đầu tư lắp đặt dây chuyền tái chế nhựa, mỗi tháng sản xuất hơn 100 tấn hạt nhựa bán lại cho các doanh nghiệp; đầu tư thêm hai dây chuyền giặt bao tải, công suất 2.400 bao tải/ngày và dây chuyền sản xuất giấy từ phế liệu, công suất 1 tấn bột giấy/ngày. HTX đã mua 15 ô tô chở vật liệu xây dựng và thu gom rác thải…
Hiện nay, HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình đã có 1 máy tái chế nhựa phế thải, 1 máy giặt bao tải, 1 máy xeo giấy, 4 xe ô tô chở rác và 5 xe điện đi vào các ngõ ngạch, các khu vực xe to không vào được. Mỗi ngày HTX thu gom trên 30 tấn rác trên địa bàn TP Tuyên Quang và huyện Yên Sơn.
Bên cạnh việc thu gom, tái chế rác thải nhựa. HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình cũng đã hướng đến việc sử dụng rác thải ủ làm phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó, ông Hoạch đã trực tiếp xuống tổ dân phố, thôn bản để phổ biến cho nhân dân về cách phân loại rác, cách đào hố, ủ phân.
"HTX cũng mời Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến tham vấn, phối hợp để hướng dẫn cho bà con nhận thấy hiệu quả của việc sử dụng rác thải làm phân bón hữu cơ", ông Hoạt cho biết.
Ông Hoạch cho hay, sau khi bà con được hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ từ rác thải thì đã mang lại hiệu quả rất tốt trong sản xuất nông nghiệp. Ông lấy ví dụ thực tế, nếu như trước đây mỗi củ sắn trọng lượng 1 đến 2 kg thì từ khi áp dụng phương pháp ủ phân hữu cơ từ rác mỗi củ sắn đã tăng lên 3 đến 4 kg.
"Sử dụng phương pháp ủ rác thành phân hữu cơ giúp dân tơi xốp, năng suất cao và đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn", ông Hoạch nói.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Hoạch cho biết, sau 27 năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường kỷ niệm mà ông không bao giờ quên, đó là, trong một lần đến Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang) tuyên truyền về thu gom rác thải nhựa trên biển, đảo. Sau khi thuyết trình, phân tích cho học sinh nghe về phòng, chống rác thải nhựa thì toàn bộ thầy, cô giáo và học sinh đã đứng lên vỗ tay và hưởng ứng rất cao.
Ngay ngày hôm sau, từng đoàn học sinh của Trường THPT Nguyễn Văn Huyên đã mang rác thải nhựa đến nhà trường để đổi lấy sách vở. "Tôi thấy việc làm của mình rất có ích, có lợi cho xã hội, tôi cảm thấy rất là vui sướng!", ông Hoạch chia sẻ.
"Là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, tôi thấy mình rất là vinh dự và cảm thấy rằng bản thân còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Cụ thể, là phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Tới đây, tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa HTX sẽ thực hiện triệt để về vấn đề môi trường ở nông thôn", ông Hoạch chia sẻ.
Trong thời gian tới, HTX sẽ vận động, phổ biến tới nhân dân, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thu gom rác để ủ làm phân bón hữu cơ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bằng phương pháp này sẽ giảm thiểu được hơn 1.000m3 đất chôn lấp trong 1 năm và tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền phân bón trên 1ha cây trồng.
Ông Hoạch cho biết, 27 năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường điều làm ông tâm đắc nhất, đó là môi trường nông thôn được cải thiện. "Thực tế mà nói trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ năm 2015 đến nay, các cơ quan, ban ngành của Trung ương lên thăm và đều đánh giá tỉnh thực hiện triệt để vấn đề môi trường nông thôn. Nhân dân được đi lại trên đường làng, ngõ, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp. Tôi rất phấn khởi!". Bên cạnh đó, HTX vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình đã tạo ra công ăn, việc làm, thu nhập cho các thành viên, người lao động, nhất là con, cháu của các cựu chiến binh.
Minh Ngọc - Ngọc Hải
(Nguônhttps://danviet.vn/nguoi-bien-rac-thanh-phan-huu-co-tai-che-nhua-o-tuyen-quang-la-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-2022-20220822154251451.htm)