V/v Mở lớp đào tạo, cấp chứng chỉ vận hành và công nhận chức danh theo quy trình điều độ
Ngày 01/6/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có văn bản số 70/CV-HH- Kính gửi: Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang- V/v Mở lớp đào tạo, cấp chứng chỉ vận hành và công nhận chức danh theo quy trình điều độ.
Văn bản nêu rõ, Những năm qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là khách hàng lớn của điện lực tỉnh đã phải chi ra hàng tỷ đồng để đầu tư lắp đặt các trạm điện (TBA) riêng để phục vụ hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp sản xuất an toàn và ổn định; những nhân viên vận hành Trạm điện (TBA) của các doanh nghiệp hầu hết được đào tạo chuyên ngành có trình độ Cao đẳng, Trung cấp ngành điện công nghiệp, vận hành sửa chữa điện đảm bảo về chuyên môn, vận hành ổn định và tuyệt đối an toàn trong hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp sản xuất của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vừa qua các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận được Công văn số 272/SCT-QLNL ngày 14/3/2023 của Sở Công thương V/v hướng dẫn thí nghiệm, kiểm định, quản lý vận hành công trình điện thuộc tài sản khách hàng. Trong Công văn tại Mục (2) có nêu: “2. Đối với chủ sở hữu công trình điện (khách hàng có Trạm biến áp và lưới điện đấu nối vào lưới điện phân phối cấp điện áp đến 35 kV...
Sau khi văn bản trên của Sở Công thương tỉnh phát hành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh (viết tắt là Hiệp hội) nhận được nhiều ý kiến phản ảnh của các doanh nghiệp có nhà máy, xí nghiệp (có Trạm biến áp) đang hoạt động sản xuất sản phẩm, hàng hóa cho rằng: Việc triển khai thực hiện nội dung trong Mục (2) tại Công văn số 272/SCT- QLNL ngày 14/3/2023 của Sở Công thương gây ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc và làm phát sinh tăng chi phí, đội giá thành sản phẩm trong thời điểm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện bị ảnh hưởng lớn từ biến động giá cả nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được theo kế hoạch, ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và đời sống người lao động, công nhân đang hết sức khó khăn. Trong khi số nhân viên đang vận hành Trạm biến áp đều đã được đào tạo chính quy, bài bản tại các Trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên ngành điện công nghiệp (đào tạo từ 2 đến 3 năm học).
Mặt khác có doanh nghiệp trong Hiệp hội đã nộp hồ sơ đăng ký từ đầu tháng 5/2023 với Công ty Điện lực Tuyên Quang để tham dự lớp đào tạo, kiểm tra, cấp chứng nhận vận hành và công nhận chức danh theo quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia; nhưng đến nay Công ty Điện lực Tuyên Quang vẫn chưa mở lớp để đào tạo; lãnh đạo Hiệp hội đã liên hệ trực tiếp và được lãnh đạo Điện lực Tuyên Quang trả lời: Việc mở lớp đào tạo này liên quan đến giáo trình giảng dạy và cấp chứng nhận vận hành này cũng chưa có quy định cụ thể…; Công ty Điện lực là doanh nghiệp chứ không phải cơ sở giáo dục đào tạo nên chưa thực hiện được.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh xin kiến nghị với Sở Công thương như sau:
1. Đề nghị xem xét không tổ chức các lớp đào tạo như nêu trên vì:
1.1. Thực chất các lớp đào tạo do ngành điện mở và phải dự kiểm tra, cấp chứng nhận vận hành là rất hình thức với thời gian đào tạo quá ngắn (từ 4 đến 5 ngày), trong khi nhân viên vận hành Trạm biến áp đã được đào tạo chuyên ngành vận hành điện từ 2 đến 3 năm liên tục trong các Trường cao đẳng, Trung cấp điện chuyên ngành công nghiệp, do vậy việc để ngành điện mở các lớp học trên là không cần thiết (đây là thủ tục giấy phép con của doanh nghiệp) gây khó khăn, cản trở, làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp đầu tư Trạm biến áp và đường dây 35 kV.
1.2. Nếu thực hiện, các doanh nghiệp lại phải cử số nhân viên điều hành Trạm biến áp của đơn vị mình theo học tại các lớp do Điện lực tỉnh mở chỉ trong khoảng 4 - 5 ngày với chi phí rất cao, doanh nghiệp phải chi ra từ hàng chục triệu đồng cho mỗi nhân viên theo học, như vậy sẽ là quá lãng phí và không cần thiết và không thực chất (vì chỉ học với thời gian quá ngắn)...
Đề nghị Sở Công thương cho dừng triển khai nội dung điểm (b) mục (2) trong Công văn số 272/SCT-QLNL ngày 14/3/2023 của Sở Công thương nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh bớt khó khăn, yêu tâm, tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và kiến nghị sửa đổi Điều 6 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ Công thương quy định hệ thống điện phân phối và các Thông tư của Bộ Công thương về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 do ban hành chưa đúng quy định pháp luật, gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp, gây tốn kém và bất lợi cho các doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trân trọng đề nghị Sở Công thương giúp đỡ, giải quyết. Xin trân trọng cảm ơn.
File văn bản gốc đính kèm