Cái nguy hại của ‘đoàn kết xuôi chiều theo ý thủ trưởng’
Đoàn kết mà không dân chủ là đoàn kết "xuôi chiều", “là nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước”.
Đoàn kết một chiều
Ngày 4/12/2023, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khoá XIII, khi gới thiệu chuyên đề Nghị quyết 43 “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, sau khi khẳng định những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm trong xây dựng đoàn kết.
Đoàn kết mà không dân chủ là đoàn kết "xuôi chiều"; “là nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước”.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khoá XIII
Theo Chủ tịch Võ Văn Thưởng, muốn có đoàn kết phải phát huy dân chủ và nếu đoàn kết mà không có dân chủ, không lắng nghe các ý kiến khác nhau là đoàn kết “xuôi chiều”.
Phải thẳng thắn thừa nhận, tình trạng đoàn kết xuôi chiều là khá phổ biến, nhất là cấp cơ sở do một số yếu tố:
Thứ nhất, một bộ phận cán bộ đảng viên hạn chế về trình độ, nhận thức và năng lực phản biện, vì vậy trước mọi vấn đề họ đều không có chính kiến.
Thứ hai, một bộ phận cán bộ có năng lực, trình độ nhưng ngại va chạm, sợ mất lòng người khác, nhất là cấp trên. Vì vậy, khi cấp trên hoặc người đứng đầu đưa ra ý kiến, hay quan điểm mang tính cá nhân hầu như tất cả cấp dưới vẫn phục tùng tuyệt đối.
Họ không hề có tranh luận phản biện, phân tích mổ xẻ vấn đề để phát hiện đúng sai, như tình trạng Chủ tịch nước nêu: “Một cán bộ vào họp tập thể lãnh đạo nhưng lại cứ suy nghĩ vấn đề này ông thủ trưởng nói, suy nghĩ thế nào để mình nói phù hợp ý ông”. Tình trạng này có lẽ khá phổ biến trong thực tế. Đây là kiểu “đoàn kết một chiều” theo ý cấp trên.
Nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này trước hết là do trong cơ quan, đơn vị thiếu dân chủ, bị tư tưởng chuyên quyền độc đoán của người đứng đầu chi phối, lấn át. Nhiều vụ án đã và đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy tình trạng này “đoàn kết một chiều” theo ý chí của người đứng đầu đơn vị.
Đoàn kết “không dân chủ”, đoàn kết "xuôi chiều", bưng bít để “đoàn kết” đã để lại những hệ lụy vô cùng tai hại như tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ chủ trì, cán bộ chủ chốt ở nhiều bộ ngành và hàng loạt các tỉnh thành trong các đại án tham nhũng.
Hậu quả là không chỉ hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà rất nhiều ban cán sự Đảng các bộ ngành, UBND tỉnh, thành phố; ban thường vụ bị kỷ luật.
Tổn thất không chỉ dừng lại ở thất thoát một khối lượng lớn về tài sản của quốc gia; mất rất nhiều cán bộ, trong đó nhiều cán bộ còn trẻ, có trình độ năng lực. Hậu quả nặng nề hơn là làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Đó sẽ “là nguy hiểm cho Đảng, đất nước” như Chủ tịch nước đã khẳng định.
Nêu cao tinh thần hòa giải, tạo sự đồng thuận để có đoàn kết bền vững
Trong bất kỳ xã hội nào từ cổ chí kim, mỗi cá nhân có điểm xuất phát, địa vị, lợi ích khác nhau; có trình độ nhận thức, quan điểm, sở thích... khác nhau. Đây cũng là nguồn gốc dễ sinh ra mâu thuẫn, xung đột về kinh tế, chính trị, xã hội. Nếu không hóa giải các mâu thuẫn đó sẽ dẫn đến chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết thậm chí dẫn đến xung đột, mất ổn định.
Thực tiễn lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử các quốc gia trên thế giới cho thấy, khi và chỉ khi nêu cao tinh thần hòa giải, tôn trọng những quan điểm trái chiều, hóa giải sự khác biệt, tìm ra điểm tương đồng, tạo được sự đồng thuận trong tổ chức và lớn hơn là quốc gia thì mới có đoàn kết. Có thể khẳng định, đoàn kết dân tộc chỉ có được và chỉ bền vững trên cơ sở tạo được sự đồng thuận xã hội.
Từ sau Đại hội Đảng VI đến nay, một trong những thành công lớn nhất, mang lại thành tựu quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ Đổi mới là thực hiện “đa phương hóa, đa dạng hóa” trong đường lối đối ngoại.
Nhờ vượt qua rào cản ý thức hệ, thực hiện đường lối đối ngoại linh hoạt, nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận, cô lập và vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức về kinh tế, chính trị, xã hội... nhanh chóng hội nhập với thế giới cả song phương và đa phương. Nhiều quốc gia lần lượt trở thành Đối tác Toàn diện, Đối tác Chiến lược, Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam.
Thành công trong đường lối đối ngoại không chỉ mở đường cho đất nước phát triển kinh tế, xã hội mà còn là nhân tố vô cùng quan trọng trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Trong đối ngoại, thực hiện quan điểm “đa phương hóa, đa dạng hóa”, chúng ta đã rất thành công không chỉ với các quốc gia bạn bè, có quan hệ truyền thống mà với cả những cường quốc từng là cựu thù. Họ đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Bởi vậy, về đối nội, nếu chúng ta đề cao tinh thần hòa giải, tôn trọng những quan điểm trái chiều, thì chắc chắn cũng sẽ tạo ra sự đồng thuận, hòa hợp để xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc.
Trên thực tế, trong các nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ta đã có nhiều đổi mới trong thực hiện chủ trương hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc. Gần đây nhất, Hội nghị Trung 8 Khóa XIII, ban hành Nghị quyết 43 “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Nghị quyết nhấn mạnh các quan điểm “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội”; “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”; “bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển”; “khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam”.
Để các quan điểm trên đây của Đảng thực sự đi vào đời sống xã hội, lãnh đạo các cấp các ngành, trước hết là cán bộ chủ trì không chỉ làm tốt công tác quán triệt Nghị quyết, vấn đề quan trọng nhất và mang tính quyết định là phải loại bỏ tư tưởng “duy ngã độc tôn”, thật lòng thực hiện dân chủ, tôn trọng ý kiến của người khác, nhất là của cấp dưới trong tranh luận, phản biện để tìm ra lẽ phải, tìm ra chân lý; nêu cao tinh thần hòa giải để có sự đồng thuận.
Chỉ có như vậy mới có đoàn kết thật sự, vững bền.
Nguyễn Huy Viện
(Nguồn https://vietnamnet.vn/cai-nguy-hai-cua-doan-ket-xuoi-chieu-theo-y-thu-truong-2224000.html)