Phân cấp, phân quyền chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để
Sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề như tiền lương, phân cấp phân quyền, cơ chế đặc thù, các ưu tiên trong đột phá chiến lược…
Các cơ quan trung ương chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền
Chất vấn Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) nêu câu hỏi về giải pháp thực hiện thành công việc đẩy mạnh phân cấp, phần quyền?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo chủ động của các cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp phân quyền, việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của cử tri và nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời tại phiên chất vấn |
Nguyên nhân, theo Thủ tướng là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan trung ương, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, năng lực cán bộ cũng có những hạn chế, bất cập, nhất là những việc lớn, việc mới chúng ta phân cấp, phân quyền xuống cũng có khó khăn. Việc đáp ứng các yêu cầu của người dân cũng liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Do đó, việc phân cấp, phân quyền đến nay chưa đạt yêu cầu đề ra.
Để đẩy mạnh vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.
Cơ chế đặc thù có tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách?
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu lại câu hỏi đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho biết, so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ này, Chính phủ trình thực hiện thí điểm nhiều và có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hoặc cơ chế xin - cho. Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP.HCM) đề nghị Thủ tướng cho biết việc triển khai cải cách chính sách tiền lương và hoàn thiện các chính sách có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ trong cải cách chính sách tiền lương.
Với câu hỏi về chính sách thí điểm, Thủ tướng Chính phủ cho biết, vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan. Tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, nên những văn bản, quy định có lúc theo kịp thực tiễn, có lúc chưa theo kịp được, quy trình xây dựng pháp luật còn mất nhiều thời gian, công sức.
Trong phiên chất vấn trước đó, trả lời đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói "pháp luật là đại lượng chung quân bình của xã hội nên khi ra một văn bản quy phạm pháp luật thì không bao giờ bao quát được hết địa phương, ngành nghề, giai tầng xã hội". Theo ông, chính sách đặc thù là cách "buộc phải làm để đáp ứng yêu cầu thực tế nhưng sau này không nên làm đại chúng". Giải pháp ông đưa ra là ban hành văn bản pháp luật sát thực tế hơn nữa, khi thiết kế luật phải linh hoạt để lúc áp dụng từng trường hợp cụ thể có thể xử lý được. |
Theo Thủ tướng, việc ra cơ chế đặc thù là có cơ sở chính trị vững chắc. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa này đều nêu tinh thần những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm luật hóa. Điều gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp quy định, thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc thí điểm, và cơ sở thực tiễn là vừa qua đã có các nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù. "Như vậy chúng ta có cả cơ sở chính trị, thực tiễn, pháp lý, nhưng cần có điều chỉnh cho phù hợp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu đánh giá tác động kỹ hơn, lắng nghe ý kiến nhà khoa học, cơ quan có liên quan, đại biểu, người dân để điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt" - Thủ tướng nói.
Xây dựng chính sách tiền lương cho khu vực ngoài nhà nước
Về vấn đề tiền lương, Thủ tướng cho biết tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Vừa qua, do đại dịch Covid-19, nguồn lực có hạn dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560.000 tỷ đồng chi cho cải cách tiền lương.
Đồng thời, song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động. “Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan nghiên cứu xây dựng chính sách tiền lương khu vực Nhà nước cho phù hợp” - Thủ tướng cho biết thêm.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) |
Cuối phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) nêu ra các vấn đề cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và sức ì của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn là cản trở cho sự phát triển. “Nếu được xếp thứ tự ưu tiên ba vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới thì Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì” - đại biểu nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về lựa chọn ưu tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chọn 3 đột phá chiến lược tức là chúng ta đã ưu tiên, nhưng chọn cái nào hơn cái nào thì phải đảm bảo hài hòa, hợp lý, tháo gỡ được thể chế thì tháo gỡ được nguồn lực. “Cả 3 nội dung này đều đang tiến hành và phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn để lựa chọn cái nào là ưu tiên, cái nào ưu tiên hơn và cái nào vẫn triển khai” - Thủ tướng nêu rõ.