Tỉnh Tuyên Quang gặp gỡ doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Tại Trung tâm tổ chức sự kiện Royal Plaza Center Tuyên Quang vừa diễn ra hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh do UBND tỉnh tổ chức. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Hà Thị Nga, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tỉnh UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện, thành phố.
Về phía Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Thập, Uỷ viên BCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội; các đồng chí Phó Chủ tịch Hiệp hội: Hoàng Quang Trung, Phạm Quang Hiệp, Nguyễn Phương Nam, Nguyễn Vũ Linh cùng với gần 100 đại biểu, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

.jpg)
.jpg)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đề ra mục tiêu tăng trưởng 10,05%, quy mô GRDP đạt 55.786 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 66,69 triệu đồng. Để đạt được mục tiêu đó, cần sự nỗ lực, góp sức của các doanh nghiệp. Hội nghị này nhằm thảo luận, lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện và động lực để các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
.jpg)
Theo báo cáo của Sở Tài chính, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.837 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 19 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu về thương mại, dịch vụ trên 1.506 doanh nghiệp, chiếm 53%; công nghiệp - xây dựng trên 1.203 doanh nghiệp, chiếm trên 42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 128 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 4,5%. Trong năm 2024, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nước ngoài đạt trên 867 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2024 bắt đầu có sự phục hồi, đã tác động tích cực đến việc phục hồi kinh tế của tỉnh. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương; góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Báo cáo cũng chỉ rõ: Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua tuy có tăng về số lượng nhưng tốc độ tăng chưa cao, đa số các doanh nghiệp thuộc khối kinh tế tư nhân được xếp loại doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tỷ lệ trên 98%. Các dự án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, ít sử dụng công nghệ tiên tiến; chưa có nhiều dự án mang tính động lực; ít dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng công nghiệp.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc như việc quy hoạch, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến gỗ, công tác giải phóng mặt bằng, việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp xuất khẩu, hoàn thiện hạ tầng giao thông, định hướng trong đào tạo nghề, nhà ở xã hội... Các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trước đó đã được HHDN tỉnh tổng hợp gửi đến Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh và đã được một số sở, ban, ngành, UBND các huyện Sơn Dương, Na Hang, Lâm Bình trả lời bằng văn bản và trực tiếp giải đáp tại hội nghị, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để từng bước tháo gỡ, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định vai trò quan trọng và những đóng góp nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Tuyên Quang thời gian qua đối với kinh tế của tỉnh, không chỉ khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu; phát triển du lịch lịch sử, sinh thái bền vững, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, điển hình như khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi); xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo… Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp và chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp thu ý kiến, kiến nghị, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời điểm cả nước cũng như Tuyên Quang đang đang thực hiện việc tinh gọn bộ máy.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị UBND tỉnh định kỳ mỗi tháng tổ chức gặp gỡ, nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, tháo gỡ những “nút thắt”, "điểm nghẽn", tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành thực hiện nghiêm túc cắt giảm 30% thủ tục hành chính; các địa phương quan tâm mở rộng diện tích đất rừng trồng chất lượng cao để tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến sản phẩm xuất khẩu. Cùng với đó, các sở, ngành của tỉnh phải phối hợp chặt chẽ giải quyết những thủ tục cần thiết cho doanh nghiệp đảm bảo nhanh nhất. Đồng chí mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục gắn bó lâu dài với Tuyên Quang; đồng chí nhấn mạnh: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa cấp uỷ, chính quyền, gắn kết các doanh nghiệp, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Tuyên Quang ngày càng lớn mạnh.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký cam kết giữa Sở Tài chính với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án hoàn thành trong năm 2025.



Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành thực hiện nghiêm các văn bản của Chính phủ, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ theo phương châm "khó đâu phải gỡ đó".
Các huyện, thành phố phải thúc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I) và các dự án lớn trên địa bàn tỉnh, giải quyết dứt điểm khó khăn đối với các dự án đang triển khai, lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo thẩm quyền.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương gỡ vướng mắc trong các các thủ tục về đất đai, môi trường theo quy định, xem xét báo cáo UBND tỉnh các dự án vướng mắc vượt thẩm quyền.
Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch, thẩm định nhanh hạ tầng các khu tái định cư, tham mưu xử lý quy hoạch điểm đấu nối trên tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đặc biệt khu vực có các nhà máy sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Sở Công Thương rà soát, cập nhật lại điều chỉnh quy hoạch điện 8; tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.
Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh giá đất cụ thể để xây dựng phương án giá đất làm cơ sở xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư theo quy định…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự tin tưởng, thông qua hội nghị, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự vào cuộc một cách tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh, doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang sẽ từng bước vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng toàn tỉnh hoàn thành thắng lợi mục tiêu tăng trưởng mà tỉnh Tuyên Quang đã đề ra trong năm 2025.
Trần Ngọc, tổng hợp từ các báo trong tỉnh