Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Đến 18 giờ chiều Chủ nhật, 15/9/2024 (13/8 Giáp Thìn), với tinh thần làm việc "Vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước", các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã tập trung nhân lực và trang thiết bị, cùng với lực lượng Quân đội, Công an, cán bộ, công nhân viên chức, lao động của thành phố hoàn thành việc giải phóng bùn rác, làm sạch đẹp cảnh quan môi trường trên các tuyến đường của thành phố Tuyên Quang, đặc biệt là tại điểm ngập lụt nặng nề nhất ngã ba đường Chiến Thắng Sông Lô - 17/8 - Nguyễn Văn Cừ, tiếp giáp với Quảng trường Nguyễn Tất Thành.
Tại trục đường Chiến Thắng Sông Lô đi Nguyễn Văn Cừ, các khu vực như: Cổng chợ Tam Cờ, lối vào trụ sở Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, vườn hoa bờ sông, trụ sở Ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Tuyên Quang ầm vang bởi tiếng máy xúc, máy ủi, xe bồn tưới nước làm việc hết công suất
Cùng với tiếng máy rộn vang là tiếng nói, tiếng cười của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 148 Quân khu II; cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, ban ngành, trường học của thành phố với các dụng cụ lao động là cuốc, xẻng, chổi quét các loại, ai cũng miệt mài, hăng say lao động dưới trời nắng gắt, mồ hôi quện với mùi bùn, góp sức mình nạo vét lượng bùn đất đang bắt đầu dẻo quánh lại trên từng đoạn đường, từng lối đi. Có những cái trượt chân khiến cả người lấm lem bùn lầy; có những bàn tay trầy xước bởi đã lâu không cầm cuốc, xẻng; nhưng từ người công nhân vận hành máy xúc đến cô giáo mầm non, các anh bộ đội, công an… tất cả đều nỗ lực lao động. Nhờ đó, đến 11 giờ 30 phút trưa nay 15/9, lượng bùn rác ứ đọng được coi là lớn nhất, khủng khiếp nhất trên đoạn đường khoảng 800m, tiếp nối đường Chiến Thắng Sông Lô với Nguyễn Văn Cừ cơ bản đã được giải phóng.
Những đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân trong một tuần qua, ngay từ khi bão số 3 gây ảnh hưởng đến địa phương (09/9) cho đến khi cơ bản hoàn thành việc khắc phục hậu quả nặng nề mà cơn bão để lại (15/9) là vô cùng lớn và chưa thể thống kê hết được.
Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập, Hiệp hội đã phối hợp với chính quyền và nhân dân thành phố, huy động tất cả các doanh nghiệp hội viên có nhân lực, phương tiện tham gia chống lũ và khắc phục hậu quả thiên tai. Từ việc hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh bạn đến tham gia Hội chợ Tuyên Quang sơ tán người và tài sản đến địa điểm an toàn trước khi nước lũ tràn vào các gian hàng; đến việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước sạch sinh hoạt cho các bệnh viện, khu dân cư bị ngập chìm trong lũ. Đặc biệt là công tác thu gom hàng nghìn tấn bùn rác trên địa bàn thành phố và các khu vực trong tỉnh. Tất cả nói lên sự vào cuộc một cách nhanh chóng, kịp thời; sự ứng phó linh hoạt, sáng tạo của các đồng chí lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng như sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực, nhiệt tình của doanh nghiệp hội viên. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các đồng chí: Nguyễn Ngọc Phẩm, Phó Chủ tịch HHDN tỉnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp thành phố Tuyên Quang; Nguyễn Hoàng Long, Phó Chủ tịch HHDN tỉnh. Không chỉ đề xuất phương án hiệu quả, các đồng chí còn bám sát hiện trường, trực tiếp điều động phương tiện, xử lý các tình huống, bất kể thời gian ngày hay đêm. Có những doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ về tài sản do lũ lụt như Công ty cổ phần công nghiệp Tân Hà, Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang... nhưng vẫn ưu tiên, dành nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị tốt nhất để "Đồng hành cùng doanh nghiệp" khắc phục hậu quả cơn bão, mang lại cảnh quan sạch, đẹp cho thành phố. Riêng 3 ngày qua, từ 13 đến 15/9, Hiệp hội huy động hơn 100 phương tiện xe vận tải, máy xúc, xe rửa đường để vận chuyển bùn rác, vệ sinh đường phố.
Theo thống kê sơ bộ thiệt hại sau cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh có 5 người chết, hơn 20.000 căn nhà bị hư hại, trên 5.300 gia đình bị cô lập, trên 5.000 hộ phải di dời khẩn cấp, trên 5.000 héc ta lúa, gần 2.000 ha ngô, rau màu, 500 ha cây trồng hằng năm, 660 ha cây ăn quả, trên 650 ha cây lâm nghiệp, trên 1.500 gia súc, hơn 7.500 gia cầm bị thiệt hại. Nhiều công trình hạ tầng giao thông, cầu cống, nhà xưởng, trường học, trụ sở cơ quan... Đặc biệt đoạn đê sông Lô, vị trí xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương bị vỡ chiều dài khoảng 10m, diện tích ngập khoảng 40 ha; tuyến đê xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương xuất hiện 4 vị trí bị đùn sủi… Tổng thiệt hại do lũ, lụt toàn tỉnh ước trên 1.200 tỷ đồng.
Tỉnh Tuyên Quang đang tập trung triển khai các giải pháp, phấn đấu thực hiện 4 mục tiêu lớn: Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khôi phục sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong đó, xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân, đồng hành, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Tuyên Quang vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.
Trần Ngọc